18/07/2021
Phương pháp YHCT về phòng và điều trị viêm đường hô hấp cấp do Sars-CoV-2
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 gây ra.
Thực hiện công văn số 1306/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đưa ra hướng dẫn điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2.
Đây là tài liệu đầu tiên của Bộ Y tế hướng dẫn các phương pháp YHCT phòng chống dịch bệnh do thầy thuốc ưu tú – PGS.TS Vũ Nam – Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương làm chủ tịch hội đồng biên soạn.
CÁC BIỆN PHÁP Y HỌC CỔ TRUYỀN HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ BỆNH
Tùy tình trạng bệnh lý và diễn biến bệnh theo y học cổ truyền chia thành 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn bệnh y học cổ truyền có pháp điều trị khác nhau và áp dụng tại các bệnh viện có đủ điều kiện về nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất.
1. Giai đoạn khởi phát
Đây là bệnh ở thời kỳ đầu phong hàn xâm phạm vào bì mao và phế vệ. Triệu chứng: Phát sốt, sợ gió lạnh, hắt hơi, ngạt mũi, khát không nhiều, ho ít đàm, hoặc đàm khó khạc, mạch phù sác. Pháp điều trị: Sơ phong thanh nhiệt, tuyên phế chỉ khái. Thuốc uống Ngân kiều tán (Ôn bệnh điều kiện)
a) Thành phần:
Liên kiều Fructus Forsythiae 8 - 12g
Cát cánh Radix Platycodi grandiflori 6 - 12g
Đạm trúc diệp Herba Lophatheri 6 - 8g
Kinh giới tuệ Herba Elsholtziae ciliatae 4 - 6g
Đạm đậu xị Semen Vignae praeparata 8 - 12g
Ngưu bàng tử Fructus Arctii lappae 8 - 12g
Kim ngân hoa Flos Lonicerae 8 - 12g
Bạc hà Herba Menthae 8 - 12g
Cam thảo Radix et Rhizoma Glycyrrhizae 2 - 4g
Gia Xuyên tâm liên (Herba Andrographitis) 12 g
Thanh cao hoa vàng ( Folium Artemisiae annuae) 12 g
b) Cách bào chế: Thuốc thang sắc
c) Công dụng: Thanh ôn giải độc, thăng dương ích khí.
d) Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, uống chia đều 3 lần, sau ăn.
2. Giai đoạn toàn phát
Bệnh biểu hiện ở phần khí .Bệnh có thể biểu hiện nhiệt chủ yếu ở phế, có thể kết hợp ở vị và đại trường.
Triệu chứng: sốt, phiền khát, phiền táo,bất an, ho,khó khạc. Khí suyễn, có thể ho ra máu, tiểu đỏ, lưỡi đỏ, rêu vàng khô hoặc nhớt, mạch hoạt sác.
Pháp điều trị: Tuyên phế, thanh nhiệt, định suyễn.
Dùng thuốc: Bài thuốc Ma hạnh thạch cam thang (Thương hàn luận)
a) Thành phần:
Ma hoàng Herba Ephedrae, Rhizoma Ephedrae 8 - 12g
Cam thảo Radix et Rhizoma Glycyrrhizae 2 - 4g
Hạnh nhân Semen Armeniacae amarum 6 - 12g
Sinh Thạch cao Gypsum fibrosum 8 - 12g
Có thể thay Ma hoàng bằng Tỳ bà diệp 12g, Cát cánh 12g, có thể gia thêm Xuyên tâm liên (Herba Andrographitis) 12g.
b) Cách bào chế: Thuốc thang sắc, Thạch cao đập vụn, gói trong miếng vải gạc cho vào nồi sắc, đun sôi 30 phút, cho các vị còn lại vào sắc tiếp 45 phút.
c) Công dụng: Tuyên phế, thanh nhiệt, giáng khí, bình suyễn.
d) Cách dùng: Sắc uống ngày 1 đến 2 thang, uống thuốc lúc ấm chia đều 3 lần trước ăn.
3. Giai đoạn hồi phục
Sau giai đoạn toàn phát có thể có biểu hiện các triệu chứng khác nhau và có pháp điều trị khác nhau.
* Trường hợp người bệnh có biểu hiện của Khí âm lưỡng hư: Khí đoản, mệt mỏi, ăn kém, miệng khô khát, bồn chồn, ra mồ hôi, ho khan có ít đờm, lưỡi khô ít tân dịch, mạch tế hoặc vô lực, ...
Pháp điều trị: Bổ khí dưỡng phế.
Dùng thuốc: Thập toàn đại bổ (Hòa tễ cục phương)
a) Thành phần:
Đương quy Radix Angelicae sinensis 12g
Xuyên khung Rhizoma Ligustici wallichii 8g
Bạch thược Radix Paeoniae lactiflorae 12g
Thục địa Radix Rehmanniae glutinosae praeparata 12g
Nhân sâm Radix Ginseng 12g
Bạch truật Rhizoma Atractylodis macrocephalae 12g
Phục linh Poria 12g
Cam thảo Radix et Rhizoma Glycyrrhizae 4g
Hoàng kỳ chích Radix Astragali membranacei 12g
Nhục quế Cortex Cinnamomi 4g
Có thể bỏ Nhục quế, gia Tri mẫu 12g.
b) Công dụng: Bổ ích khí huyết.
c) Cách bào chế: Thuốc thang sắc
d) Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang chia đều 3 lần.
* Trường hợp bệnh lâu có âm hư kèm tâm quý, huyết áp thấp, dùng bài thuốc sau: Lục vị địa hoàng hoàn hợp Sinh mạch ẩm
a) Thành phần:
Sinh địa hoàng Radix Rehmanniae glutinosae 15g
Sơn thù Fructus Corni officinalis 8g
Hoài sơn Tuber Dioscoreae persimilis 8g
Phục linh Poria 8g
Trạch tả Rhizoma Alismatis 6g
Đơn bì Cortex Paeoniae suffruticosae 10g
Sa sâm Radix Glehniae 10g
Mạch môn Radix Ophiopogonis japonica 10g
Ngũ vị tử Fructus Schisandrae 8g
b) Công dụng: Tư âm phế thận, ích khí liễm hãn
c) Cách bào chế: Thuốc thang sắc.
d) Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang chia đều 3 lần.
4. Giai đoạn tái nhiễm
Điều trị như nhiễm bệnh, tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh theo y học cổ truyền mà người thầy thuốc có pháp điều trị, thuốc cổ truyền và phương pháp điều trị cho phù hợp.
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH
Sử dụng các phương pháp Y học cổ truyền để hạn chế lây nhiễm và phòng ngừa bệnh.
1. Các phương pháp xông phòng ở, phòng làm việc
Sử dụng dược liệu chứa tinh dầu: Sả chanh, Bạc hà, Quế, Mùi, Bưởi, Tràm gió, Màng tang, Long não, Kinh giới, Tía tô, ...
Sử dụng tinh dầu: Sả chanh, Bạc hà, Hương nhu, Bưởi, Tràm, Quế, Long não được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành.
Lưu ý: Không xông có tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.
2. Các biện pháp vệ sinh cá nhân
a) Dung dịch nhỏ mũi
b) Nước súc miệng
c) Thuốc xông
3.Thuốc dùng trong
a) Nước ép Tỏi
b) Một số loại trà thảo dược
Lá Diếp cá; Trà xanh 3g; Liên kiều; Trà Kinh giới, trà tía tô…
c) Sử dụng dược liệu tươi pha chế làm trà :
Cam thảo, Phòng phong, hoắc hương, tử tô, kinh giới, Bạc hà, lá trà,...
4. Cách ly tại nhà, nơi cư trú, cách ly y tế tại nơi tập trung, phòng và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
Cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú và nơi tập trung theo quy định của Bộ Y tế; thường xuyên cập nhật các quy định của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 và các bệnh dịch liên quan khác.
5. Chế độ ăn, luyện tập nâng cao sức đề kháng:
- Giảm stress: không quá căng thẳng về dịch bệnh nói chung và Covid-19 nói riêng, cân bằng giữa nghỉ ngơi – làm việc (nên nghỉ trưa, ít nhất 30 phút), tránh các công việc gây stress hay thư giãn. Tránh ngủ sau 22h, trường hợp thức khuya không ngủ sau 23h.
- Chế độ ăn: chế độ ăn uống phong phú và đa dạng là chìa khóa cho một cơ thể khỏe mạnh, ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng đầy đủ đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất, tránh ăn nhiều các thức ăn chiên xào. Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng nhất là các loại vitamin, ăn nhiều rau củ quả tươi. Hạn chế thuốc lá, rượu bia, cà phê.
- Tập thể dục, dưỡng sinh: Tập thở bụng ngày 4 lần, mỗi lần 3-5 phút để tăng sức khỏe. Tập thể dục giữa giờ. Tự xoa bóp toàn thân lúc sáng dậy.
Nguồn: https://nhtm.gov.vn/home
Copyright © 2020 Viên Minh Đường.