Can thiệp dinh dưỡng sớm với Kẽm, Selen và Vitamin D nâng cao sức đề kháng chống lại sự phát triển của COVID-19

  • 01/03/2022

Tóm lược: Nhiễm trùng do coronavirus (COVID-19) gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế trên toàn cầu vì thiếu vaccin và các phương pháp điều trị cụ thể. Yếu tố khiến bệnh tiến triển nặng lên thường là do các bệnh mạn tính trong các hội chứng chuyển hóa, như tiểu đường và suy tim, mà trong đó có thể do thiếu hụt các chất dinh dưỡng gây nên. Mục đích của bài viết này là tìm ra những hữu ích của việc can thiệp dinh dưỡng sớm bằng các yếu tố vi lượng, đặc biệt là kẽm, selen và vitamin D để làm giảm sự gia tăng của Covid-19. Phương pháp: Chúng tôi đã tiến hành tìm kiếm các báo cáo được xuất bản từ 2010 – 2020 về kẽm, selen và vitamin D, corona, nhiễm trùng do virus. Kết quả: Có một số nghiên cứu đã cung cấp các bằng chứng trực tiếp về mối liên quan giữa kẽm, selen, vitamin D và Covid-19. Đó là, cung cấp đầy đủ kẽm, selen và vitamin D cần thiết để chống lại các bệnh nhiễm trùng do các loại virus khác, do tăng cường chức năng miễn dịch và giảm viêm. Do đó, người ta đề xuất can thiệp dinh dưỡng để đảm bảo cho cơ thể luôn được cung cấp đầy đủ dưỡng chất để chống lại coronavirus mới SARS-CoV-2 (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng-coronavirus-2) và làm giảm nhẹ tình trạng bệnh khi mắc Covid-19. Kết luận: Chúng tôi khuyến nghị bắt đầu bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng ở những vùng có nguy cơ cao và/ hoặc ngay sau khi nghi nhiễm SARS-CoV-2. Các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao nên chú trọng liệu pháp can thiệp dinh dưỡng này, nên bắt đầu sử dụng trước khi áp dụng các biện pháp y tế hỗ trợ và điều trị cụ thể.

1. Giới thiệu

Coronavirus mới SARS-CoV-2 (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng-coronavirus-2) gây ra Covid-19, là loại coronavirus nguy hiểm nhất từng được xác định, có khả năng lây nhiễm không chỉ ở động vật mà cả ở người, ở mọi nơi trên trái đất. Mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 thể hiện qua sự phân bố các vùng dịch hơn nhiều lần so với hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) và hội chứng hô hấp Trung Đông do coronavirus (MERS-CoV), tương ứng vào năm 2003 và 2012. RNA sợi đơn chứa cả cấu trúc bộ gen của SARS-CoV-2. Trong những ca bệnh nặng, COVID-19 đi kèm với sự hoạt hóa quá mức của hệ thống miễn dịch với tình trạng viêm tiến triển và cơn bão cytokine từ các tế bào được kích hoạt, đặc biệt là trong đường thở, dẫn đến hội chứng giải phóng cytokine. Thật không may, corticosteroid với tác dụng chống viêm, được dùng trong quá trình điều trị làm trầm trọng thêm các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân SARS hoặc các bệnh do nhiễm virus liên quan. Sử dụng huyết tương từ bệnh nhân đã hồi phục được thử như một cách tiếp cận khả thi, nhưng kinh nghiệm về phương pháp này còn hạn chế. Ngoại trừ việc sử dụng huyết tương từ bệnh nhân đã hồi phục, hiện tại chưa có phương pháp điều trị cụ thể nào được chấp thuận trong điều trị Covid-19. Do đó, nhu cầu cấp thiết đối với y tế công cộng không chỉ để hạn chế sự lây lan của virus mà còn phải tìm ra các biện pháp phòng ngừa để làm giảm mức độ nghiêm trọng của Covid-19, như các cách làm giảm phản ứng viêm quá mức. Quá trình trao đổi chất của vật chủ bị ảnh hưởng bởi tuổi, tiếp cận y tế, lối sống có thể xác định mức độ nặng trên lâm sàng của Covid-19. Ở những bệnh nhân nặng thường đi kèm với các bệnh nền như đái tháo đường type 2, tăng huyết áp và bệnh tim. Người cao tuổi dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp nặng hơn người trẻ, từ đó có thể thấy được mối liên hệ giữa tuổi với sự thiếu hụt dinh dưỡng và khả năng miễn dịch. Sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng được thấy trên lâm sàng và cận lâm sàng thường gặp ở người cao tuổi được cho là nguyên nhân góp phần làm giảm khả năng miễn dịch và tăng các bệnh liên quan đến tuổi, có thể hiểu rằng quản lý dinh dưỡng là cần thiết để giảm nguy cơ nhiễm trùng nặng. Do thiếu dữ liệu lâm sàng về hiệu quả phòng và/ hoặc điều trị đối với việc cung cấp đầy đủ selen, kẽm và vitamin D trong Covid-19, hiện tại chúng tôi đã thảo luận về dữ liệu lâm sàng tổng quan gần đây về vai trò của những vi chất dinh dưỡng này trong việc bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng phế quản - phổi, cũng như các số liệu hiện có về tác động của chúng với Covid-19. Mặc dù, các chất dinh dưỡng khác, chẳng hạn như vitamin C và A cũng có thể đóng một vai trò nào đó nhưng chúng không phải vấn đề đặt ra trong bài viết này. Chúng tôi đã thực hiện một cuộc tìm kiếm tài liệu trong giai đoạn 2010 – 2020 trên PubMed, Medline và Google Scholar với các từ khóa SARS, SARS-CoV-2, COVID 19, coronavirus, vi chất dinh dưỡng (kẽm, selen, vitamin D), hệ miễn dịch, viêm, phòng ngừa và điều trị. Dựa trên các thông tin thu được, ở đây chúng tôi thảo luận về vai trò của dinh dưỡng một số nguyên tố vi lượng và vitamin D theo quan điểm của các biện pháp phòng chống virus RNA.

2. Can thiệp dinh dưỡng như một phương pháp phòng ngừa

Thiếu vi chất dinh dưỡng trên lâm sàng hoặc cận lâm sàng, chẳng hạn như thiếu kẽm, selen và vitamin D, thường xảy ra ở người cao tuổi và các bệnh liên quan đến tuổi tác như tiểu đường, tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Những bệnh này hầu hết là các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa được đặc trưng bởi các dấu hiệu viêm mạn tính, cũng có thể là kết quả của quá trình lão hóa. Các dấu hiệu viêm, như giá trị CRP (protein phản ứng C) tăng cao cũng là một yếu tố làm nặng thêm tình trạng bệnh. Bổ sung đầy đủ kẽm, selen và vitamin D là cần thiết trong suy giảm miễn dịch, ở một mức độ nào đó có thể chống lại sự tiến triển của nhiễm trùng. Chỉ lời khuyên về chế độ ăn uống trong một số điều kiện nhất định có thể là không đủ đảm bảo các chất dinh dưỡng này, đặc biệt là ở người cao tuổi, và một bộ phận quần thể dễ mắc bệnh.

2.1 Kẽm

Là thành phần thiết yếu của nhiều enzyme, như superoxide dismutase 1 và 3, kẽm là nguyên tố vi lượng rất quan trọng đối với sự phát triển và duy trì của các tế bào miễn dịch và các tế bào khác. Thiếu kẽm dẫn đến rối loạn chức năng miễn dịch qua trung gian tế bào và miễn dịch dịch thể. Ở người cao tuổi, Zn thấp (giá trị Zn huyết thanh < 0.7 mg/L) được phát hiện là một yếu tố nguy cơ gây viêm phổi. Thiếu kẽm trong thời gian dài làm tăng tình trạng viêm và các chất trung gian hóa học gây viêm. Hầu hết các thành phần của hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt kẽm, đặc biệt là chức năng của tế bào T. Thiếu kẽm cũng thúc đẩy phản ứng Th17, có liên quan làm tăng mức độ viêm. Ở những người cao tuổi, giảm nồng độ kẽm trong tuần hoàn tương quan với việc tăng nồng độ các cytokine IL-6 (interleukine–6), IL-8, và TNF-α (Yếu tố hoại tử khối u-α). Trong một ca lâm sàng được báo cáo, bốn bệnh nhân Covid-19 ngoại trú từ 26 – 63 tuổi đã được điều trị bằng viên ngậm muối kẽm. Họ ngậm nhiều lần mỗi ngày, lên đến liều từ 115 – 184mg Zn/ngày trong 10 đến 14 ngày, và tất cả những bệnh nhân này đều khỏi bệnh. Trong một báo cáo khác, ba bệnh nhân Covid-19 từ 38 – 74 tuổi có thêm các triệu chứng ở đường ruột được bổ sung kẽm sulphat ( 220mg Zn/ngày trong 5 ngày), cùng với hydroxychloroquine và azithromycine, sau có các bệnh nhân đều hồi phục. Các trường hợp được báo cáo chưa đủ để kết luận về hiệu quả của kẽm. Đối với các bệnh truyền nhiễm khác, nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng kẽm trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến kết quả của quá trình nghiên cứu. Một số thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (RCT) cho thấy được bổ sung kẽm trong đợt tiêu chảy cấp làm giảm thời gian và nguy cơ mắc bệnh kéo dài. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã thay đổi các khuyến nghị của họ đối với việc điều trị tiêu chảy ở trẻ em và bổ sung thêm kẽm. Kẽm cũng có vai trò trong nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, bổ sung kẽm thường xuyên giảm tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính ở trẻ em tại các quốc gia có thu nhập trung bình – thấp. Một số nghiên cứu gần đây đã sử dụng kẽm như một phương pháp điều trị hỗ trợ cho các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, mặc dù với kết quả chưa rõ ràng. Trong một RCT lớn từ Ấn Độ trên trẻ có dấu hiệu của nhiễm khuẩn nặng, người ta đã khảo sát xem liệu kẽm có thể làm giảm nguy cơ thất bại trong điều trị hay không. Các tác giả nhận thấy rằng trẻ em được chỉ định kẽm giảm 40% tỷ lệ thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong so với nhóm dùng giả dược. Nhiều RCT đã xem xét vai trò của việc bổ sung kẽm trong bệnh cảm cúm thông thường, kết quả cho thấy rằng, được cung cấp kẽm sớm ngay khi bị bệnh, đã có khả năng giảm thời gian mắc bệnh từ 1 đến 3 ngày. Hơn nữa, tác dụng tích cực của việc bổ sung kẽm đã được quan sát thấy trong một số nghiên cứu về viêm gan C, gây ra bởi nhiễm trùng do virus RNA sợi đơn. Trong bối cảnh này, điều đáng quan tâm là nâng cao nồng độ kẽm trong tế bào với ion kẽm như pyrithione hoặc chloroquin có thể trực tiếp làm giảm sự nhân lên của nhiều loại virus RNA trong ống nghiệm thông qua ức chế hoạt động RNA polymerase của chúng. Sử dụng kết hợp kẽm và pyrithione, ngay cả ở nồng độ thấp, đã có thể ức chế sự nhân lên của SARS coronavirus (SARS-CoV) trong ống nghiệm. Do đó, việc bổ sung kẽm có thể có tác dụng, không chỉ đối với chứng viêm quá phát liên quan đến Covid-19, mà có lẽ còn đối với cả chính tác nhân SARS-CoV-2. Đối với các liều dự phòng được sử dụng, cần lưu ý rằng, sử dụng lâu dài nên dùng ≤ 25 mg/ngày, vì lượng kẽm cao có thể làm rối loạn dung nạp đồng.

2.2 Selen

Selen là một nguyên tố vi lượng cần thiết cho quá trình oxy hóa khử của động vật có vú, tồn tại dưới dạng selenocysteine trong các trung tâm xúc tác của nhiều selenoprotein. Cung cấp đầy đủ axid amin Serin là cần thiết để tổng hợp selenocysteine, là thành phần của selenoprotein. Sự thiếu hụt selen có thể ảnh hưởng không chỉ đến phản ứng miễn dịch mà còn đến khả năng gây bệnh của virus. Đáng chú ý, một nghiên cứu được báo cáo ở Trung Quốc gần đây cho thấy mối liên quan giữa tỷ lệ chữa khỏi của bệnh nhân nhiễm CoV-2 và tình trạng selen, được lấy từ trên tóc của người dân ở ngoại thành Hồ Bắc, từ các khu vực có lượng selen thấp và đủ. Trong nghiên cứu, tình trạng selen (selen và SELENOP) ở những bệnh nhân nội trú Covid-19 ở bệnh nhân sống cao hơn đáng kể (n = 27) so với những người chết (n = 6). Các nghiên cứu sâu hơn có kiểm soát nhiễu và các thử nghiệm lâm sàng rất cần thiết để xác nhận mối liên quan này. Với nghiên cứu cụ thể đã phát hiện ra protease chính của SARS-CoV-2 chịu trách nhiệm cho sự nhân lên của virus, tương tác với enzyme glutathione peroxidase1 (GPX1) - phụ thuộc chặt chẽ với việc cung cấp selen. GPX tương tự ebselen (một hợp chất selen tổng hợp) là một chất ức chế mạnh đối với protease chính của SARS-CoV-2. Việc sàng lọc định dạng sinh học gen SARS-CoV-2 đã cung cấp thêm bằng chứng về tương tác giữa protein và giữa phiên mã của mạch khuôn mRNA với mRNA bổ sung xảy ra tại các điểm chèn liên quan đến selenocysteine trong virus RNA. Sự thiếu hụt Selen trong chế độ ăn uống, cùng với sự gia tăng stress oxy hóa trong vật chủ, có thể làm thay đổi bộ gen của virus từ một loại virus gây bệnh nhẹ có thể thành một tác nhân có độc lực cao sau khi xâm nhập vào cơ thể vật chủ, điều này đã xảy ra với Coxsackievirus B3 trong bệnh Keshan tại một vùng thiếu selen ở Trung Quốc. Có giả thiết cho rằng sự thiếu hụt Selen có thể đóng vai trò nhất định trong việc phát triển SARS-CoV. Tác dụng bảo vệ tiềm năng của Selen được giải thích qua vai trò như yếu tố thiết yếu trong một nhóm các enzyme, kết hợp với vitamin E có tác dụng làm giảm sự hình thành các loại oxygen phản ứng (ROS). ROS vượt quá ngưỡng có thể kích hoạt các thay đổi oxy hóa ở cả vi sinh vật xâm nhập và cả trong tế bào vật chủ. Việc chống oxy hóa bị suy yếu cũng có thể đi kèm với các phản ứng viêm quá mức ở vật chủ, ngay cả khi không có nhiễm trùng hoạt động. Trong số các selenoenzyme, chất chống oxy hóa mạnh nhất là glutathione peroxidases (GPXs) và thioredoxin reductases (TXNRDs), cần hấp thụ ít nhất 100µg Se/ngày để chúng hoạt động tối ưu. Các selenoprotein khác, tức là selenoprotein K (SELENOK) và selenoprotein S (SELENOS), cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa các phản ứng miễn dịch. Trong nhiều bệnh truyền nhiễm, selen dường như đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ hô hấp, đặc biệt là đối với các bệnh nhiễm trùng do virus. Beck và cộng sự nhận thấy rằng sự thiếu hụt Se làm tăng đáng kể tính nhạy cảm với bệnh lý ở phổi do cúm, liên quan đến sự biểu hiện quá mức của các cytokine tiền viêm. Một tình trạng tương tự đã được quan sát thấy khi cho nhiễm virus Coxsackie, dẫn đến sự phát triển của viêm cơ tim ở chuột thiếu Se. Những phát hiện này tương tự việc quan sát thấy mức interferon-γ (IFN-γ) và TNF-α thấp hơn, cũng như tỷ lệ sống giảm ở những con chuột thiếu Se nhiễm virus cúm so với những con đối chứng có đủ Se. Trái lại, điều trị bằng selen đã được chứng minh là có hiệu quả điều chỉnh sự biểu hiện của các gen đối với interferon (IFN-α, IFN-β và IFN-γ) phản ứng với virus cúm gia cầm (H9N2). Ở người cao tuổi, việc điều trị bằng Se được chứng minh là có thể làm tăng đáp ứng với việc tiêm phòng cúm, đi kèm với việc tăng nồng độ IFN-γ sau khi tiêm phòng. Do đó, việc bổ sung selen cho các quần thể có nguy cơ với liều dưới mức tối ưu đã được coi là một liệu pháp bổ trợ an toàn trong các biện pháp dự phòng chống lại nhiễm virus. Tình trạng selen cũng khác nhau giữa các khu vực trên thế giới. So với Bắc Mỹ, mức selen trong các quần thể ở phần lớn các nước châu Âu thấp hơn nhiều so với ngưỡng cần thiết khoảng 100 µg/L để đạt mức đủ selenoprotein trên cận lâm sàng. Lượng selen không đủ là do có hàm lượng thấp trong đất, trong ngũ cốc và các cây lương thực khác cũng như trong thức ăn gia súc.

2.3 Cofactor Selen+

Chức năng tối ưu của GPX cũng phụ thuộc vào nồng độ cofactor glutathione (GSH) thích hợp ở nội bào, từ đó giải thích được tầm quan trọng của việc hấp thụ đầy đủ các protein có chứa thành phần lưu huỳnh của tripeptide này, viz. cysteine ​​hoặc methionine. GSH giảm có liên quan đến sự lão hóa ở một số loài, bao gồm cả con người. Rõ ràng những người cao tuổi khỏe mạnh ở nhóm tuổi 60 – 79 có GSH trong hồng cầu thấp hơn đáng kể so với những người trẻ tuổi. Hơn nữa, những người mắc các bệnh mạn tính, như tăng huyết áp, có sự thiếu hụt GSH ở trạng thái hoạt động. Trong trường hợp hấp thụ ít sulfur amino acid, việc bổ sung acetylcysteine sẽ phục hồi mức GSH nội bào, có vai trò thiết yếu trong tế bào phế quản và phổi. N-acetylcysteine đã được phê duyệt và sử dụng rộng rãi trong viêm phế quản tắc nghẽn, và đã được chứng minh là hữu ích trong việc chống lại nhiễm trùng nặng. Việc sử dụng glutathione cũng được chứng minh là làm giảm chứng khó thở liên quan đến viêm phổi do Covid-19. Một yếu tố khác đi kèm với selenoenzyme là coenzyme  (Co). Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng với giả dược tại Thụy Điển,  những người cao tuổi khỏe mạnh thiếu selen được bổ sung selen kết hợp với coenzyme . Việc bổ sung này đã được chứng minh giúp làm giảm phản ứng viêm không đặc hiệu, được đo bằng CRP huyết tương và các dấu ấn sinh học khác của tình trạng viêm, và làm giảm cả tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch. Vì các trường hợp nhiễm coronavirus nặng được đặc trưng bởi tình trạng viêm hoạt động quá mức, nên việc giảm phản ứng viêm bằng cách tối ưu hóa tình trạng selen được quan tâm đáng kể. Qua đó cũng thấy rằng, chất bổ sung Co, ngay cả khi chỉ sử dụng một mình cũng có thể phát huy được tác dụng chống viêm. Tác dụng chống viêm của Co ngoại sinh có thể thấy rõ hơn ở tuổi già khi sản xuất nội sinh của nó giảm đáng kể. Điều trị bằng selen sử dụng đơn lẻ, không kết hợp với acetylcysteine ​​hoặc Co, ở những bệnh nhân nặng được đưa vào ICU (bệnh nhân không nhiễm trùng và nhiễm trùng) đã được sử dụng. Ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng giai đoạn nặng, Manzanares và đồng nghiệp, trong một phân tích tổng hợp, không tìm thấy tác dụng có lợi rõ rệt giảm tỷ lệ tử vong, nhưng trong một phân tích phân nhóm, họ đã tìm thấy sự giảm nguy cơ nhiễm trùng ở những bệnh nhân viêm vô khuẩn. Khi xem xét những tác động tích cực của selen đối với điều hòa miễn dịch và giảm tình trạng viêm ở những quần thể có hàm lượng selen thấp, có thể kết luận rằng selen sẽ đại diện cho một biện pháp bảo vệ cơ thể chống lại hiện tượng viêm quá mức đặc trưng của virus corona. Dó đó, ở những đối tượng có nồng độ thấp hơn mức tối ưu (selen huyết tương <100 µg/L), việc bổ sung với liều 100 – 200µg Se/ngày, có hoặc không có cofactor, để đạt được độ bão hòa của selenoprotein nhanh chóng, nên có thể đại diện cho một phương pháp bổ trợ để ngăn ngừa nhiễm SARS-CoV-2 một cách tích cực. Tuy nhiên, khuyến nghị tổng lượng selen được sử dụng trong thời gian dài từ thực phẩm và chất bổ sung ≤ 300µg Se/ngày, vì lượng hấp thụ cao hơn có thể gây các tác dụng không mong muốn.

2.4 Vitamin D

Ai cũng biết rằng cholecalciferol (vitamin ) có thể được tổng hợp từ cholesterol trong da khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Hoạt tính sinh học của nó phụ thuộc vào quá trình hydroxyl hóa liên tiếp ở gan và thận thành 1,2- (OH -, liên kết với các thụ thể vitamin D. Ngoài vai trò trong việc cân bằng nội môi canxi và duy trì sự toàn vẹn của xương, nó còn kích thích sự trưởng thành của các tế bào miễn dịch. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy mối quan hệ nghịch giữa nồng độ 25 (OH) - lưu hành, một dấu ấn sinh học về tình trạng vitamin D, với các dấu ấn sinh học viêm, bao gồm CRP và IL-6. Nồng độ vitamin D xuống dưới mức tối ưu, đặc biệt là vào cuối mùa đông, đã được báo cáo ở một số lượng lớn người trưởng thành khỏe mạnh. Những người hạn chế tiếp cận với ánh sáng mặt trời và người già suy giảm khả năng tổng hợp có thể bị thiếu vitamin D. Vitamin D được cho là hữu ích trong Covid-19, vì có 2 nghiên cứu về sinh thái học chỉ ra rằng tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn ở các nước ở vĩ độ cao và/ hoặc tình trạng vitamin D thấp hơn. Trong một nghiên cứu chưa được thẩm định từ Los Angeles, thiếu hụt vitamin D được xác định là một yếu tố nguy cơ đối với các xét nghiệm Covid-19 dương tính. Một nghiên cứu gần đây trên bệnh nhân nội trú Covid-19 (n = 134) cho thấy một số ít bệnh nhân trong ICU có 25 OH-D trên 50 nmol/L (19%) so với những bệnh nhân ở các phòng y tế thông thường (39.1%). Trong một nghiên cứu chưa được thẩm định từ Cincinnati, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan giữa sự thiếu hụt vitamin D với số lượng nhập viện, mức độ nghiêm trọng của bệnh và tử vong, giữa những bệnh nhân đến phòng khám ban đầu và phòng khám chuyên khoa (n = 691). Vitamin D được chứng minh là một yếu tố cần thiết để bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp. Thiếu vitamin D trầm trọng thường thấy ở những bệnh nhân nặng và liên quan đến tiên lượng xấu. Ở những bệnh nhân lớn tuổi, thiếu vitamin D nặng được coi là một yếu tố dự báo cho bệnh viêm phổi mắc phải tại cộng đồng, cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ nhập viện phải sử dụng ICU, và tử vong. Sự thiếu hụt vitamin D được chứng minh là có liên quan đến tình trạng viêm phổi nặng, dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) với tổn thương biểu mô đường hô hấp và tình trạng thiếu oxy máu. Người ta đã quan sát thấy mối quan hệ nghịch giữa lượng cholecalciferol 25-OH và nguy cơ suy hô hấp cấp tính ở những bệnh nhân nặng, đặc biệt có ý nghĩa nhất đối với những đối tượng có 25-OH-cholecalciferol <25 nmol/L. Dữ liệu thực nghiệm ngày càng tăng trên các tế bào trong ống nghiệm, đã chứng minh tác dụng có lợi của vitamin D đối với cơ chế bệnh sinh của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Do đó, điều trị bằng vitamin D đã được chứng minh là làm giảm sự nhân lên của virus hợp bào hô hấp (RSV) và rhinovirus (RV) trong tế bào biểu mô thông qua việc tăng cường các gen kích thích interferon và tổng hợp protein kháng virus LL-37. Điều trị với 1,25 (OH)-D cải thiện đáp ứng miễn dịch kháng virus ở đường hô hấp đối với nhiễm trùng RV được đặc trưng bởi sự tăng IL-8 và CXCL-10 (một chemokine liên quan đến nhiều dấu hiệu viêm C-X-C 10 còn được gọi là Interferon gamma-induced protein 10). Ngoài ra, người ta đã chứng minh rằng vitamin D có khả năng làm giảm phản ứng viêm mà không làm thay đổi hoạt tính kháng virus và thanh thải virus trong các tế bào biểu mô đường thở bị nhiễm RSV. Hơn nữa, tỷ lệ mắc bệnh xơ phổi cao là một di chứng đặc trưng của COVID-19, điều quan trọng cần lưu ý là vitamin D đã ngăn chặn TGF-β1 gây ra xơ hóa tế bào phổi. Tuy nhiên, chưa có tác dụng phòng ngừa nào của vitamin D đối với bệnh viêm phổi được quan sát thấy trong ba nghiên cứu bệnh chứng độc lập, nhưng việc giải thích các kết quả này cần tính đến sự thiếu hụt vitamin D rõ ràng đã có từ trước. Hơn nữa, lợi ích của việc sử dụng vitamin D trong giai đoạn nặng ở các bệnh nguy hiểm còn gây tranh cãi, vì một số nghiên cứu không cho thấy lợi ích khi dùng vitamin D giai đoạn muộn ở các bệnh này. Tình trạng vitamin D có thể dễ dàng được xác định dưới dạng 25-OH-cholecalciferol trong huyết tương. Do đó, trong trường hợp nồng độ thấp, <50 nmol/L trong huyết tương, cần bổ sung vitamin D (40 µg /ngày) có thể ngăn ngừa đợt viêm quá mức do coronavirus mới này gây ra. Đối với các liều dự phòng được sử dụng, khuyến cáo rằng, trong thời gian dài, lượng vitamin D nạp vào phải ≤ 100 µg /ngày để tránh tăng calci niệu dẫn đến nguy cơ sỏi thận và tăng calci huyết.

3. Thảo luận và kết luận

Bằng chứng trực tiếp cho thấy các vi chất dinh dưỡng kẽm, selen và vitamin D có thể tham gia vào quá trình nâng cao kết quả điều trị của bệnh COVID-19 chủ yếu nhờ vào việc quan sát và chưa được thẩm định. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm từ các phương pháp điều trị SARS và các bệnh nhiễm virus khác, chúng tôi phát hiện thấy rằng các chất giúp bổ sung dinh dưỡng được sử dụng ở giai đoạn đầu của bệnh rất quan trọng để tăng cường sức đề kháng của vật chủ chống lại việc nhiễm virus RNA, cũng có thể bao gồm cả Covid-19 nặng. Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng, có thể gia tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại sự phát triển của Covid-19 thành cơn bão cytokine đe dọa đến tính mạng. Tình trạng dinh dưỡng của vật chủ vẫn chưa được coi là một yếu tố quan trọng trong các trường hợp nhiễm virus nặng, vì hiệu quả của việc bổ sung chất dinh dưỡng khi được sử dụng ở giai đoạn nặng chưa được thấy rõ. Tuy nhiên, có thể hình dung rằng nếu tình trạng dinh dưỡng tốt ở các nhóm dân số dễ bị tổn thương từ trước khi bệnh, sẽ có tác dụng tăng cường miễn dịch và chống viêm. Chúng tôi biết về việc điều trị bằng vitamin C liều cao (6-8 g/ngày) bị lên án trong các bệnh nhiễm trùng do virus, nhưng vì đây là một phương pháp tiếp cận dược lý, chúng tôi không thảo luận thêm về vấn đề này. Chúng tôi xem xét đề xuất can thiệp với protein và các vitamin tổng hợp, được sử dụng ngay sau khi nhập viện để làm giảm nhiễm trùng do Covid-19 sẽ là một thay đổi thú vị trong cách tiếp cận. Tuy nhiên, các nghiên cứu sâu hơn và thử nghiệm lâm sàng yêu cầu cả về vai trò điều trị và phòng ngừa của các chất dinh dưỡng được bổ sung. Dựa trên các tài liệu hiện có, một giả định là vai trò trong tiền nhiễm trùng của kẽm, selen và vitamin D có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc chống lại quá trình phát triển của Covid-19. Các khuyến nghị của chúng tôi là cần can thiệp dinh dưỡng sớm cho các đối tượng có nguy cơ cao hoặc phơi nhiễm với SARS-CoV-2 điều trị ngoại trú, tốt nhất là trước khi điều trị cụ thể và hỗ trợ. Can thiệp dinh dưỡng sớm có ý nghĩa đặc biệt đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương đặc biệt ở các nước đang phát triển. Cách tiếp cận này đơn giản, rẻ và vô hại. Mặc dù cần sử dụng liều cao các chất dinh dưỡng chuyên biệt để phục hồi sự thiếu hụt, nhưng bạn nên tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ khuyến cáo, một số bác sĩ cho sử dụng liều cao hơn để cơ thể dung nạp được và hấp thụ lâu dài các vi chất dinh dưỡng. Song với bất kỳ phương pháp tiếp cận dinh dưỡng nào, các nghiên cứu có đối chứng về hiệu quả của các biện pháp chống virus và chống nhiễm trùng là rất quan trọng. Để có được khả năng miễn dịch nói chung thì vaccin phòng Covid-19 được đánh giá cao hơn.

Hình 1. Tác dụng giả thuyết của các vi chất dinh dưỡng (Zn, Se và vitamin D) đối với mức độ viêm ở bệnh nhân Covid-19: Một đợt bệnh nặng, có thể xảy ra ở các trường hợp viêm mức độ nhẹ trước khi nhiễm trùng cùng với tình trạng không đủ vi chất dinh dưỡng, được đặc trưng bởi sự phát triển của viêm thành cơn bão cytokine (đường chấm). Việc bổ sung Se, Zn và các vitamin được bổ sung ở giai đoạn sớm sau khi nhiễm trùng có tác dụng bảo vệ cơ thể thông qua phản ứng miễn dịch và hỗ trợ phản ứng viêm, giúp giảm nguy cơ phát triển thành cơn bão cytokine và ít nghiêm trọng hơn của Covid-19, được biểu thị bởi đường đứt nét. Nguồn: Alexander J, Tinkov A, Strand TA, Alehagen U, Skalny A, Aaseth J. Early Nutritional Interventions with Zinc, Selenium and Vitamin D for Raising Anti-Viral Resistance Against Progressive COVID-19. Nutrients. 2020 Aug 7;12(8):2358. doi: 10.3390/nu12082358. PMID: 32784601; PMCID: PMC7468884.

Bài viết liên quan