TRẺ HO HÀN HAY HO NHIỆT ?

  • 26/08/2021

PHÂN BIỆT CON HO DO HÀN, DO NHIỆT HAY ĐÃ BIẾN CHỨNG VIÊM PHỔI

Ho cảm, sổ mũi là vấn đề mà hầu hết trẻ nhỏ đều mắc phải. Mong muốn con không phải dùng kháng sinh hay thuốc tây ngay nên các mẹ hay truyền tai nhau các bài thuốc phổ biến như húng chanh, quất chưng đường phèn hoặc mật ong, hay lá trầu mật ong, hoa đu đủ đực, lá diếp cá…Nhưng tại sao có bé uống thì khỏi có bé dùng hết bài này đến bài khác vẫn không khỏi??

Để khỏi ho, khỏi ốm nhờ các bài thuốc dân gian ngoài việc tùy thuộc sức đề kháng của các bé thì việc bố mẹ phân biệt được Ho hàn hay Ho nhiệt để lựa chọn các vị thuốc thảo dược vườn nhà sử dụng thích hợp với cơ địa từng bé cũng sẽ quyết định việc bé nhanh khỏi ho hay vẫn ho dai dẳng, thậm chí nặng hơn.

Hôm nay #Bác_Sỹ_Gióng của Viên Minh Đường sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ho cảm và cách phân biệt Ho Hàn và Ho nhiệt nhé:

  • Ho là phản xạ có lợi của hệ hô hấp giúp giúp tống đờm dãi, dị vật, ngăn không cho Virus, vi khuẩn xâm nhập xuống sâu hơn nữa. Ho cũng báo hiệu cho chúng ta biết cơ thể bé đang ốm, hệ hô hấp đang gặp vấn đề và làm bố mẹ hay bác sỹ có trách nhiệm phải tìm ra vấn đề rồi hỗ trợ bé khỏi ốm.
  • Y học hiện đại chỉ ra phần lớn nguyên nhân gây viêm hô hấp, cảm cúm là do Virus gây ra. Còn theo Đông y gọi con virus, vi khuẩn đó là “ Tà khí” và độc tố của nó sẽ mang tính “ Hàn”( Cảm mạo phong hàn)  hoặc “ Nhiệt” ( Cảm mạo phong nhiệt) là hai tình huống hay gặp nhất gây ra viêm hô hấp và ho ở trẻ nhỏ. Ngoài ra còn có thể kết hợp với “ Thấp” ( độ ẩm) hoặc “ Táo” ( Độ khô)… cũng khá là phức tạp. Nhưng phạm vi bài này hướng dẫn bố mẹ hai trường hợp THƯỜNG GẶP nhất để bố mẹ có cách xử lý thích hợp nhé.

HO HÀN : Trẻ thường mắc cảm lạnh, ho hàn khi thời tiết thay đổi chuyển đột ngột từ nắng sang mưa, giao mùa hè thu sang mùa đông, lúc tắm hoặc nghịch nước hơi lâu, lúc nằm điều hòa quá lạnh hoặc ngủ quên không đắp chăn, đêm ngủ tay chân lạnh, nhiều bé thích nằm sát đầu mặt vào quạt cũng dễ ốm. Hoặc trẻ hay có thói quen ăn kem lạnh, thức ăn sống lạnh… Hoặc trẻ dễ ra mồ hôi, đêm ngủ ra mồ hôi ướt đẫm, bố mẹ không biết để lau thấm cho con. Ở những trẻ đang đóng bỉm, đôi khi tè nhiều tràn bỉm, hoặc trẻ lớn hơn tè dầm… không lau thấm kịp trẻ bị nhiễm lạnh.

Biểu hiện thường là:

  • Hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi trong rồi chuyển qua trắng đục hoặc xanh…
  • Ho ban đầu thường ho khan, sau chuyển qua ho đờm trắng trong, tiếng ho âm thanh bó lại cảm giác không phát ra được.
  • Sắc mặt trắng hơi xanh hơi tái, tay chân lạnh…
  • Một số trẻ lớn hơn biết kêu đau họng, đau đầu, có thể có sốt nhẹ
  • Có thể kết hợp nôn, ọe, đi ngoài hơi nát hoặc đi nhiều lần, nước tiểu thường trong
  • Thích được massage, làm ấm lên thì đỡ ho nhanh ( bôi xoa dầu tràm, ngâm chân nước ấm, dán cao ấm huyệt dũng tuyền, ăn cháo tía tô hành gừng…)
  • Diễn biến thường tuần tự
  • Ho hàn để lâu không xử lý tốt cũng dễ chuyển thành “ Ho Nhiệt”

HO NHIỆT: Trẻ thường chạy chơi ngoài trời nắng to và kéo dài quá 30 phút…

Hoặc cảm nhiễm Virus Cúm, đột nhiên sốt cao, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, ho .

Hoặc ho hàn xử lý không đúng cách, cho ăn thêm đồ mát lạnh làm phế không tuyên phát được uất nhiệt mà chuyển thành ho nhiệt.

  • Sắc mặt đỏ
  • Ngạt mũi, mũi đặc trắng rồi chuyển qua vàng
  • Có thể có đỏ ghèn mắt
  • Ho nặng tiếng, tiếng ho vang, đờm vàng..
  • Đi ngoai có thể hơi táo, nước tiểu vàng
  • Diễn biến thường đột ngột và nhanh chóng

Do đó làm bố mẹ cần chú ý kỹ hoàn cảnh xuất hiện “ Ho, cảm” xem lại trước hôm con ho có bị dính mưa, có yếu tố nhiễm lạnh hay ăn đồ sống lạnh…

Dựa vào biểu hiện: đơn giản nhất là đờm vàng đặc là Ho Nhiệt, đờm loãng trong, hơi xanh là Ho Hàn… Để phán đoán và lựa chọn bài thuốc tại nhà thích hợp.

Ngày nay Y học hiện đại, điều trị ho, viêm hô hấp, Viêm tai giữa có phương pháp “ CHỜ” tức là không vội vàng dùng kháng sinh ngay mà khuyến khích bố mẹ chăm sóc kỹ, massage, dinh dưỡng, có thể dùng thuốc kháng viêm, sinh tố…theo dõi trong vòng 48-72 giờ. Bệnh bé không đỡ ho, không đỡ sốt lúc đó mới cân nhắc dùng kháng sinh.

  • Bố mẹ nắm thêm cách đếm nhịp thở để theo dõi tình trạng con có bị viêm phổi hay chưa? Khi bé trạng thái không sốt thì nhịp thở ( Một lần bụng phình lên và 1 lần hóp xuống được tính là 1 nhịp thở) như sau thì theo dõi Viêm phổi:
  • Đếm nhịp thở khi trẻ nằm và không sốt

+  Bé thở >60 lần/phút ở trẻ < 2 tháng

+ Thở > 50 lần/phút ở trẻ từ 2 đến 12 tháng tuổi; >40 lần/phút ở trẻ 1 – 5 tuổi).

  • Ngoài ra, còn có các dấu hiệu rút co rút lồng ngực khi thở và trẻ có dấu hiệu tím tái (khi có biến chứng suy hô hấp).
  • Nếu bé Ho và có nhịp thở nhanh như trên thì không áp dụng phương pháp “ Chờ” mà cần đưa bé ngay tới cơ sở y tế gần nhất bố mẹ nhé.

Hi vọng bố mẹ đã nắm được dấu hiệu ho hàn, ho nhiệt, và biến chứng viêm phổi, khi nào áp dụng phương pháp “Chờ” và khi nào cần đưa con đi khám ngay tới Bác sỹ.

Bài sau sẽ hướng dẫn bố mẹ áp dụng ho hàn, ho nhiệt thì trong thời gian chờ sẽ dùng những vị thuốc vườn nhà tương ứng nào nhé.

Bác sỹ Gióng

Viên Minh Đường

  • Tiên phong chữa bệnh trẻ em bằng thảo dược tự nhiên
  • Nuôi con không dùng thuốc kháng sinh

Bài viết liên quan