16/06/2021
VÌ SAO LẠI SỐT? SỐT CÓ LỢI HAY CÓ HẠI? THÁI ĐỘ XỬ LÝ VỚI SỐT?
Đầu tiên chúng ta cần hiểu: Sốt là trạng thái cơ thể chủ động tăng thân nhiệt do trung tâm điều hòa nhiệt bị tác dụng bởi các nhân tố gọi là chất gây sốt, đưa đến kết quả tăng sản nhiệt kết hợp với giảm thải nhiệt.
Nhiệt độ đo được ở hậu môn 38 độ C và ở nách 37,5 độ C được gọi là Sốt.
Nguyên nhân gây sốt do 2 yếu tố
Ý nghĩa của sốt:
Sốt xuất hiện trong quá trình tiến hóa của giới động vật: Chỉ động vật ổn nhiệt mới có sốt. Sự phát triển cao của trung tâm điều nhiệt giúp động vật có khả năng hạn chế thải nhiệt( Tiết kiệm nhiệt ). Khi thử tiêm chất gây sốt cho động vật cấp thấp (bò sát), cơ thể chúng tăng tạo nhiệt rõ ràng nhưng không sốt vì chúng không có các biện pháp hạn chế thải nhiệt, nếu đặt chúng vào môi trường nóng (giúp hạn chế thải nhiệt), cũng thấy thân nhiệt chúng cao hơn nhiệt độ môi trường.
Sốt là phản ứng thích ứng toàn thân mang tính chất bảo vệ:
- Nó hạn chế được quá trình nhiễm khuẩn, nhiễm Virus ( Tác nhân phổ biến gây sốt) vì khi sốt giúp tăng số lượng và chất lượng bạch cầu, tăng khả năng sản xuất kháng thể, bổ thể, tăng khả năng chống độc và khử độc của gan, tăng chuyển hóa…
Chất gây sốt ngoại sinh có thể có hại nhưng bản thân chất gây sốt nội sinh là các Cytokin có vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch như IL1, TNF, Prostaglandin…
Thực nghiệm đã cho thấy diễn biến của bệnh xấu đi nếu như làm giảm phản ứng sốt bằng thuốc Hạ nhiệt. Ngược lại nếu tiêm cho con vật chất gây sốt rồi mới gây nhiễm khuẩn thì diễn biến của bệnh lại nhẹ hơn và đôi khi không gây được bệnh. Như vậy rõ ràng Sốt làm cho vi khuẩn, virus cũng yếu đi.
Thực tế lâm sang, người già yếu, trẻ nhỏ đề kháng yếu khi viêm hô hấp thì sốt nhẹ hơn hoặc không sốt nhưng diễn biến và tiên lượng xấu hơn, bệnh lâu khỏi hơn so với người sốt cao.
Ở nhiệt độ 40 độ khả năng nhân lên của Virus giảm hoặc sự nhậy cảm của vi khuẩn lao đối với streptomycin tăng hơn ở nhiệt độ 37 độ C.
Đặc biệt trong tiêm chủng nếu dùng thuốc hạ nhiệt thì khả năng tạo kháng thể giảm.
Các cơ quan hoàn toàn có khả năng thích nghi với sự tăng chức năng trong sốt. Sốt sẽ trở nên xấu khi Sốt cao và kéo dài, hoặc sốt ở những cơ thể suy yếu, giảm dự trữ mới:
+ Dễ gây rối loạn chuyển hóa, rối loạn chức phận cơ quan
+ Cạn kiệt dự trữ, gây nhiều hậu quả xấu như suy kiệt, nhiễm độc thần kinh
+ Suy tim
+ Co giật ở trẻ nhỏ
Thái độ ứng phó với Sốt: Vì sốt là phản ứng có lợi, chỉ có hại khi sốt kéo dài quá 3 ngày, sốt cao liên tục, cho nên chúng ta cần:
+ Duy trì một phản ứng bảo vệ tự nhiên của cơ thể: Không hạ nhiệt vô nguyên tắc nếu sốt không tỏ ra nguy hiểm và gây các hậu quả lớn đối với diễn biến và tiên lượng bệnh.
+ Giúp cơ thể chịu đựng được các hậu quả xấu của sốt ( Nếu xuất hiện) và khắc phục hậu quả hơn là cắt sốt ( Bù nước điện giải, trợ tim, bổ sung sinh tố…)
+ Chỉ can thiệp sốt nếu có hậu quả lớn. quá sức chịu đựng của cơ thể. Kỷ nguyên kháng sinh giúp thầy thuốc xử lý bệnh nhiễm khuẩn dễ dàng hơn trước, nhưng cũng làm họ kém hiểu biết bệnh sinh của sốt để xử lý. Cộng với việc mua thuốc hạ sốt ở nước ta khá dễ dàng nên tình trạng lạm dụng thuốc Hạ sốt đang ngày càng trở nên phổ biến.
Trên là những nguyên lý cơ bản về ý nghĩa của sốt mà bất kỳ bác sỹ nào cũng được trang bị và cập nhật thường xuyên, quá trình hành nghề do áp lực từ người bệnh, áp lực mưu sinh đôi khi người thầy thuốc không kiên trì giải thích, dặn dò người bệnh về cách phản ứng thích hợp với sốt, mà cũng vội vàng sử dụng thuốc mạnh tay giúp cắt sốt nhanh như các nhóm Cortticoit, Kháng viêm Nonsteroid, Kháng sinh… một cách thiếu kiểm soát làm cho đề kháng chúng ta ngày càng suy giảm, chúng ta ngày càng trở nên yếu đuối và nhỏ bé trước con Virus, Vi khuẩn siêu nhỏ.
Hi vọng cả người bệnh, bố mẹ những em nhỏ hiểu được lợi ích của sốt mà bình tĩnh xử lý. Hãy chia sẻ bài viết cho nhiều người hiểu rõ hơn lợi ích cũng như tác hại của sốt để bớt lo lắng và cùng chăm lo sức khỏe mọi người ngày càng tốt hơn nhé.
Team Bs Viên Minh Đường
P/S: Bài viết tham khảo nguồn từ bài giảng “ Sinh lý bệnh điều hòa thân nhiệt – Sốt” –Tr230-246 Sinh lý bệnh học, Đại học Y Hà Nội.
Kỳ sau sẽ viết chi tiết hơn: Khi nào cần xử lý sốt và cần cho uống hạ sốt?
Copyright © 2020 Viên Minh Đường.